Lưu trữ

Posts Tagged ‘Palestin’

Mỹ tìm cách ngăn cản sự ra đời một nhà nước Palestin

Tháng Chín 17, 2011 Bình luận đã bị tắt

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái), Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa) và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại cuộc đàm phán hòa bình ở Washington tháng 6/2011.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama muốn hủy bỏ cuộc biểu quyết tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) về quy chế người Palestine. Theo The New York Times, Mỹ đang xúc tiến nối lại các cuộc đàm phán Trung Đông với hy vọng Chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas sẽ không đưa ra trước Đại hội đồng LHQ ngày 20/9 việc biểu quyết vấn đề công nhận một nhà nước Palestine độc lập.

Cũng theo tờ báo, trong tháng qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi thông điệp ngoại giao tới 70 quốc gia, kêu gọi họ không chấp nhận những bước tiến đơn phương của người Palestine tại LHQ.

Các nguồn tin LHQ cho biết, Mỹ đã dọa thực hiện các biện pháp trừng phạt Palestine nếu chính quyền này tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực trở thành thành viên đầy đủ của LHQ. Tổng lãnh sự Mỹ tại Jerusalem, Daniel Rubinstein, nhân danh chính quyền Tổng thống đương nhiệm Barack Obama, đã cảnh báo nhà thương lượng hàng đầu của Palestine Saeb Erekat rằng, Mỹ sẽ ngừng mọi viện trợ tài chính cho Palestine nếu chính quyền này xúc tiến kế hoạch yêu cầu LHQ công nhận Palestine độc lập vào tháng 9 năm nay. Mỹ sẽ phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ công nhận Nhà nước Palestine độc lập và là thành viên LHQ với đường biên giới được thừa nhận ngày 4/7/1967 gồm Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem.

Trong trường hợp Palestine tìm cách nâng quy chế quan sát viên hiện nay thành quy chế thành viên LHQ thông qua Đại hội đồng LHQ với đa số 2/3 thành viên LHQ ủng hộ, Quốc hội Mỹ sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt kể cả cắt các viện trợ tài chính. Mỹ coi các nỗ lực độc lập và trở thành thành viên LHQ của Palestine là vô ích và nhấn mạnh điều tốt nhất đối với Palestine là ký hiệp định hòa bình với Israel thông qua đàm phán trực tiếp.

Cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine để thành lập một nhà nước độc lập cùng tồn tại bên cạnh Nhà nước Do Thái kéo dài nhiều thập niên qua. Nhiều kế hoạch, nhiều cuộc đàm phán, nhiều thỏa thuận, giữa Israel với Palestine cùng sự tham gia của cộng đồng quốc tế nhưng cho đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực. Một trong những nguyên nhân chính là Tel-Aviv không muốn trả lại các vùng đất của người Arập do họ chiếm đóng trái phép và không muốn người Palestine sinh sống trên lãnh thổ của mình.

Vài năm trở lại đây, Bộ tứ (Mỹ, Nga, Liên minh châu âu và LHQ) cố gắng đưa Israel và Palestine ngồi vào bàn đàm phán nhưng không có kết quả. Mỹ với tư cách là đồng minh thân cận của Tel-Aviv cũng mở các đợt ngoại giao con thoi để có một kết quả nào đó, nhưng rồi “người bạn hay phá bĩnh” của Washington đã làm cho mọi chuyện trở thành con số không. Một trong những trò phá bĩnh cố hữu của Tel-Aviv là tuyên bố rằng họ rất mong muốn hòa bình với người Palestine, nhưng thực tế lại bật đèn xanh cho việc tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái trên vùng đất chiếm đóng của người Arập.

Không thể chờ đợi mãi, chính quyền Palestine buộc phải chọn lối đi của riêng mình là kiên quyết thúc đẩy kế hoạch hình thành nhà nước do Bộ tứ trước đây vạch ra và đệ trình lên LHQ. Từ đầu năm 2011 đến nay đã có mấy chục quốc gia trên thế giới công nhận Nhà nước Palestine. Mới đây, ngày 27/8, Honduras và El Salvador chính thức công nhận Nhà nước Palestine. Về phương diện này cũng cần thấy rõ, trong thâm tâm cả Mỹ và Israel đều không muốn mục tiêu thành lập Nhà nước Palestine theo giải pháp “2 nhà nước” trong lộ trình hòa bình do nhóm Bộ tứ bảo trợ sớm thành hiện thực, vì họ còn có những toan tính sâu xa về chiến lược kiềm chế và giám sát toàn bộ khu vực Trung Đông.

Để lý giải về mục tiêu và cách đi của chính quyền Palestine, ngày 27/8 tại Ramallah, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết việc LHQ công nhận Palestine như là một nhà nước độc lập sẽ dẫn tới việc chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel với Palestine. ông Abbas khẳng định đó sẽ là sự khởi đầu để chấm dứt cuộc xung đột và xây dựng một nền hòa bình, công bằng và cùng tồn tại thay vì trấn áp và xâm lược. ông Abbas nhấn mạnh, Palestine đệ đơn lên LHQ không có nghĩa là cách ly Israel và đối đầu với Mỹ, nhưng điều đó hiện thực hóa giấc mơ có một Nhà nước Palestine được công nhận chính thức. ông Abbas còn khẳng định Palestine sẵn sàng nối lại đàm phán hòa bình với Israel thay vì đệ đơn lên LHQ, song cũng đưa ra những điều kiện tiên quyết yêu cầu Israel chấm dứt xây dựng các khu định cư Do Thái và thừa nhận giải pháp hai nhà nước cùng chung sống.

Biếm họa về tiến trình hòa bình tại Trung Đông.

Ai Cập, quốc gia có liên hệ mật thiết với Mỹ và Israel cũng cho rằng đòi hỏi của thế giới Arập bây giờ không phải là tổ chức một hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Đông mà là chuyển vấn đề này lên Hội đồng Bảo an LHQ. Theo Ai Cập, cần phải nhanh chóng tiến tới việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập với đường biên giới riêng, coi đó là chìa khóa cho tiến trình giải quyết cuộc xung đột hiện nay. Dư luận cũng được biết, Ai Cập đã thành công trong vai trò trung gian hòa giải giữa Hamas và Fatah, để sau 4 năm chia cắt, người Palestine đang đoàn kết thành một nhà.

Liên đoàn Arập (AL) ngày 23/8 đã tuyên bố bảo lãnh quyết định của Palestine đệ đơn gia nhập LHQ. Trong thông cáo báo chí đưa ra sau cuộc họp tại Doha (Qatar), ủy ban Giám sát sáng kiến hòa bình của AL cho biết các nước Arập ủng hộ để Nhà nước Palestine, với đường biên giới năm 1967 và thủ đô là Đông Jerusalem, có thể trở thành thành viên đầy đủ của LHQ.

Trưởng đoàn đàm phán Palestine, ông Saeb Erakat, cho biết kế hoạch của Palestine xin gia nhập tổ chức LHQ là cơ sở để duy trì tiến trình hòa bình Trung Đông. Trong thông cáo báo chí sau cuộc gặp với đặc phái viên LHQ Robert Serry và lãnh sự Anh tại Jerusalem, ông Erakat khẳng định việc vận động LHQ công nhận Nhà nước Palestine độc lập có ý nghĩa rất quan trọng trong nỗ lực duy trì tiến trình hòa bình khu vực cũng như đảm bảo giải pháp hai nhà nước cùng chung sống hòa bình. Vì vậy, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế không nên do dự trong việc công nhận Nhà nước Palestine độc lập.

Sự quyết tâm, tinh thần đoàn kết nêu trên của các lực lượng chính trị và người dân Palestine là dấu hiệu cho một hy vọng mới, một tương lai đoàn kết dân tộc để tạo nên sức mạnh trong công cuộc đấu tranh thành lập nhà nước độc lập.

Trong lúc này, chính quyền Mỹ và Israel vẫn tiếp tục gây sức ép để Palestine từ bỏ việc đệ đơn gia nhập LHQ. Một nhà ngoại giao Arập giấu tên cho biết, Mỹ và Israel đang tìm cách ngăn chặn nỗ lực này của Palestine và người Arập, song lại không đưa ra được các giải pháp thay thế

Văn Bôl (tổng hợp)

antg.cand.com.vn