Lưu trữ

Posts Tagged ‘Osama Bin Laden’

Cuộc săn lùng Osama Bin Laden của ông Gaddafi

Tháng Năm 11, 2011 Bình luận đã bị tắt

Cựu điệp viên MI-5 David Shayler.

Trong thập niên 90 thế kỷ XX, Tổng thống Libya Muammar Gaddafi từng phát lệnh truy nã toàn cầu đối với trùm khủng bố Al-Qaeda Osama Bin Laden. Đây là câu chuyện hoàn toàn có thật, vừa được thuật lại trên báo Die Welt của Đức. Đáng nói hơn, lệnh truy nã đó đã bị Mỹ-Anh cản trở vì một lý do không ai ngờ.

Các tài liệu lưu trữ của Cảnh sát quốc tế (Interpol) đã ghi nhận: Vào ngày 16/3/1998, Bộ Tư pháp Libya đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với trùm khủng bố Al-Qaeda Osama bin Laden, với cáo buộc chủ mưu vụ giết hại 2 công dân Đức tại Libya. Sau đó, ngày 15/4/1998, lệnh truy nã đã được gửi đến văn phòng trụ sở chính của Interpol ở Lyon, Pháp. Interpol đã căn cứ vào đó phát lệnh truy nã toàn cầu.

Như vậy, có thể nói rằng Libya là quốc gia đầu tiên phát lệnh truy nã trùm khủng bố Osama bin Laden. Tuy nhiên, lệnh truy nã Interpol của Libya đã bị Mỹ và Anh cản trở .

Cái chết của vợ chồng điệp viên người Đức

Câu chuyện về việc Libya phát lệnh truy nã Osama bin Laden ít được chú ý, bởi chẳng ai tin Libya lại đi truy lùng khủng bố. Lý do đơn giản là vì Libya từng là kẻ thù của Mỹ và châu Âu, từng bị liệt vào danh sách “tài trợ khủng bố”, bị Tổng thống Mỹ George W. Bush đưa vào “trục ma quỷ”. Chả trách luật pháp các nước châu Âu những năm cuối thế kỷ XX cho đến hết thập niên đầu thế kỷ XXI có điều khoản quy định kỳ cục là “cấm đi du lịch đến Libya”(!?)

Thế nhưng đối với vợ chồng điệp viên người Đức Silvan và Vera Becker, điều đó chẳng ý nghĩa gì. Đi đâu, làm gì là “quyền công dân”, hơn nữa Becker lại là người của tình báo bí mật thì càng tự do đi lại.

Cũng cần biết đôi điều về ông Becker: 56 tuổi, là người đứng đầu Phân cục VI thuộc Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp – chuyên trách chống khủng bố quốc tế của Cục Chống khủng bố Quốc gia Đức – một đơn vị tình báo nội địa. Là chuyên gia chống khủng bố hàng đầu của Đức, Becker nhiều năm liền là một cố vấn giỏi về thành phần Hồi giáo cực đoan trong thế giới Arập trước khi chuyển sang phụ trách đơn vị giám sát nhóm Tamil cực đoan LTTE ở Sri Lanka.

Đầu tháng 3/1994, nhân một chuyến đi nghỉ trong vùng Trung Đông, Becker và vợ đã nhập cảnh Libya để tham dự một lễ hội truyền thống ở thành phố Sirte, quê hương ông Gaddafi. Theo hồ sơ Cơ quan điều tra Libya, vợ chồng Becker bị bắn trọng thương vào ngày 10/3/1994, ngay khi vừa vào Libya. Hai vợ chồng được đưa vào một bệnh viện quân y để điều trị nhưng do vết thương quá nặng nên bà Vera đã qua đời ngày 28/3, còn ông Becker thì qua đời vào ngày 10/4/1994.

Vấn đề khiến nhiều người thắc mắc là mặc dù biết có lệnh cấm du lịch đến Libya như tại sao vợ chồng Becker lại vào Libya. Một nguồn thông tin cho rằng điệp viên Becker đã tận dụng kỳ nghỉ của hai vợ chồng để thực hiện một nhiệm vụ chuyên môn là tiếp xúc với thành phần Hồi giáo cực đoan Libya. Một ý kiến khác nói rằng Becker là một điệp viên hai mang, vào Libya để thực hiện nhiệm vụ cho một cơ quan tình báo nước ngoài, hoặc cho rằng, Becker tham gia một điệp vụ phối hợp với mật vụ một nước khác,…

Tất cả các giả thuyết này đều bị Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức bác bỏ, cho rằng không có cơ sở chứng minh. Cho đến nay, 17 năm sau vụ việc đó, thông tin về cái chết của vợ chồng Becker vẫn chưa được tiết lộ.

Thủ phạm là Osama Bin Laden?

17 năm sau cái chết của vợ chồng điệp viên người Đức Becker, sau một thời gian thụ lý vụ án, các nhà điều tra Libya đã trao toàn bộ hồ sơ cho các đồng nghiệp Đức. Kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra Đức cho rằng, thủ phạm chính là thành phần Hồi giáo cực đoan liên quan đến mạng lưới Al-Qaeda của trùm khủng bố Osama bin Laden.

Ngay lập tức, 3 nghi phạm chính đều là người Libya, gồm Faraj Alwan, Faes Abu Zeid Warfali và Faraj Chalabi – thành viên của nhóm khủng bố cực đoan al-Muqatila (Nhóm Chiến binh Hồi giáo Libya) bị cơ quan chức năng bắt giam và xét xử.

Tổng thống Libya Muammar Gaddafi từng là mục tiêu ám sát của nhóm khủng bố al-Muqatila.

Kết luận cho rằng thành phần Hồi giáo là thủ phạm giết chết vợ chồng Becker được một số chuyên gia chống khủng bố thời đó ủng hộ vì một số lý do. Trước hết, al-Muqatila là một nhóm Hồi giáo cực đoan khét tiếng ở Libya, đóng căn cứ ở miền Đông Libya, chủ yếu là thành phố Benghazi. Đây là một trong những nhóm khủng bố đầu tiên tham gia mạng lưới toàn cầu Al-Qaeda của Bin Laden, được thành lập vào những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX bởi các phần tử Hồi giáo cực đoan người Libya tham gia thánh chiến chống quân đội Xôviết ở Afghanistan thập niên 80 thế kỷ XX.

Al-Muqatila từng cưu mang một trong những chiến hữu thân tín nhất của ông trùm Osama bin Laden thời kỳ hoạt động ở châu Phi là Anas al-Liby – hiện vẫn đang nằm trong danh sách truy nã đặc biệt của chính quyền Mỹ, với giá 25 triệu USD được treo cho cái đầu của y. Mục tiêu hoạt động của al-Muqatila là đấu tranh để thành lập một nhà nước thần giáo theo chủ thuyết tương tự như Al-Qaeda.

Jean-Charles Brisard – chuyên gia chống khủng bố hàng đầu nước Pháp và là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Jacque Chirac – cho rằng, ngoài al-Muqatila, khu vực Bắc Phi thời gian đó còn có nhiều nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan chuyên giết hại người nước ngoài khác, chẳng hạn như Nhóm Hồi giáo vũ trang (AIG) của Algeria từng giết nhiều người phương Tây trong 2 năm 1993-1994, hay như vụ tấn công người nước ngoài ở thành phố Marrakesh của Morocco năm 1994,…

Vậy tại sao lại truy nã Osama bin Laden? Ông ta có từng đến Libya không? Câu trả lời là có, nhưng không nhất thiết vào thời điểm xảy ra vụ sát hại vợ chồng Becker. Theo một số báo cáo an ninh thì Bin Laden từng đến cư trú tại một ngôi làng gần thành phố Benghazi trong một thời gian, và chính trong thời gian này, ông trùm đã có những quan hệ mật thiết với nhóm al-Muqatila.

MI-6 bắt tay khủng bố để ám sát ông Gaddafi?

Riêng về cái chết của điệp viên Becker và vợ, báo chí Anh và Pháp đã tiết lộ thêm có sự dính líu của Cơ quan Tình báo đối ngoại MI-6 của Anh. Chẳng hạn, cựu điệp viên MI-5 David Shayler từng tiết lộ trên báo The Observer của Anh hồi tháng 3/2011 rằng, MI-6 đã từng bắt tay với các sát thủ al-Muqatila nhằm thực hiện một âm mưu ám sát Đại tá Gaddafi.

Theo thỏa thuận, nhóm al-Muqatila nhận lời trà trộn vào đám đông để thủ tiêu ông Gaddafi khi ông tham gia lễ hội đường phố tại thành phố Sirte. Do âm mưu của bọn khủng bố đã bị Becker cản trở, làm cho thất bại nên bọn chúng quay sang sát hại ông. Phải chăng do MI-6 dính líu đến bọn khủng bố trong âm mưu ám sát ông Gaddafi nên nước Anh buộc phải cản trở lệnh truy nã Bin Laden của ông Gaddafi?

Trong quyển sách mới xuất bản nhan đề “Sự thật cấm nói” (Forbidden Truth) của 2 tác giả là nhà báo Pháp Guillaume Dasquié và chuyên gia chống khủng bố Jean-Charles Brisard, MI-6 không chỉ cấu kết mà còn trả tiền để nhóm khủng bố al-Muqatila thực hiện âm mưu ám sát ông Gaddafi. Toàn bộ những câu chuyện về việc MI-6 âm mưu ám sát ông Gaddafi được thuật lại bởi cựu điệp viên Shayler. Shayler cho biết, ông có được những thông tin này là nhờ tiếp cận các tài liệu liên quan đến Libya trong thời gian làm việc ở MI-5 giữa thập niên 90 thế kỷ XX.

Theo Shayler, âm mưu ám sát ông Gaddafi đã được MI-6 phát động từ cuối năm 1995, và ông được các đồng nghiệp bên MI-6 thông báo trong các cuộc họp chính thức giữa 2 cơ quan tình báo này. Đầu năm 1996, MI-6 bắt đầu vạch kế hoạch thực hiện âm mưu ám sát ông Gaddafi. Địa điểm để thực hiện là thành phố Sirte, quê hương ông Gaddafi. Nhóm khủng bố al-Muqatila tiếp tục được MI-6 chọn là đối tác hợp tác trong phi vụ này.

Theo tiết lộ của tờ The Observer, hai sĩ quan tình báo MI-6 được chỉ định trực tiếp liên hệ móc nối với al-Muqatila là Richard Bartlett, mang mật danh “PT16”, được giao tổng phụ trách chiến dịch; và David Watson, mật danh “PT16B”, phụ trách điều khiển một điệp viên nội gián người Libya mang bí danh “Tunworth”.

Thông qua Tunworth, MI-6 đã trao cho đối tác al-Muqatila số tiền 100.000 bảng Anh xem như tiền “thù lao” ứng trước cho phi vụ ám sát ông Gaddafi, nếu thành công sẽ còn thưởng hậu. Tuy nhiên, vụ ám sát ông Gaddafi bất thành sau một trận đấu súng vào tháng 3/1996 tại thành phố Sirte, al-Muqatila không những không đạt được mục đích mà còn thiệt hại nặng, một số tay súng bị giết.

Sau một thời gian điều tra, cuối cùng vào tháng 3/1998, Cơ quan điều tra Libya công bố trên Truyền hình quốc gia, chính thức cáo buộc MI-6 đã tham gia ám sát ông Gaddafi. Có lẽ chính vì vụ việc này mà lệnh truy nã ông trùm Osama bin Laden của chính quyền Libya được phát đi ngày 16/3/1998 đã bị nước Anh (và Mỹ) cản trở?

Về phần Shayler, sau khi đã cung cấp thông tin cho báo chí, ông đã bị Cơ quan An ninh Anh bắt giữ và đưa ra xét xử vào tháng 3 vừa qua, bị tuyên án tù 6 tháng vì tội “tiết lộ tài liệu an ninh quốc gia cho báo chí”. Trong thời gian xét xử Shayler, toàn bộ những thông tin liên quan đến vụ việc MI-6 đều bị kiểm duyệt gắt gao, báo chí không được phép đăng tải, các nhân chứng (2 sĩ quan Bartlett và Watson) bị cấm ra tòa làm chứng, ngay cả bị cáo cũng không được phép biện hộ cho hành động của mình

Quốc Vương – An Châu (tổng hợp)

antg.cand.com.vn

Trùm khủng bố “tàn độc hơn cả Bin Laden”

Tháng Năm 6, 2011 Bình luận đã bị tắt

Anwar al-Awlaki, tên khủng bố số 1 thế giới đang bị truy sát.

Ngày 9/2/2011, Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ đã khẳng định: Mối đe dọa lớn nhất tới an ninh nước Mỹ hiện tại không phải là Osama bin Laden, mà là trùm khủng bố Anwar al-Awlaki, 40 tuổi, người mang hai quốc tịch Yemen và Mỹ.

Sau những vụ khủng bố liên tiếp từ Yemen, Anwar al-Awlaki đã trở thành cái tên khét tiếng trong danh sách truy nã gắt gao nhất của Hoa Kỳ. Được biết, nhân vật đứng đầu Chi nhánh mạng lưới khủng bố Al-Qaeda tại bán đảo Arập (AQAP) đóng tại Yemen này chính là kẻ truyền phát tư tưởng cực đoan thông qua mạng Internet toàn cầu.

Al-Awlaki được biết với những biệt danh “Osama bin Laden mạng”, “Giáo chủ Hồi giáo E-mail”,… và là kẻ đã chiêu mộ hàng trăm phần tử “thánh chiến” đẩy nước Mỹ đối mặt với nguy cơ khủng bố lớn nhất kể từ sau sự kiện 11/9/2001.

Xuất thân danh giá

Sinh ngày 22/4/1971 trong một gia đình trí thức người Yemen sống tại Las Cruces, bang New Mexico, Mỹ, ngay từ nhỏ Anwar al-Awlaki đã được sống khá sung túc và được tiếp nhận nền giáo dục mang đậm chất Mỹ. Khi sinh Anwar al-Awlaki cũng là lúc cha anh ta là Nasser Al-Awlaki lấy được bằng thạc sĩ Kinh tế Nông nghiệp tại Đại học New Mexico. Năm 1977, Nasser tiếp tục giành học vị tiến sĩ tại Đại học Nebraska và sau đó làm việc tại Đại học Minnesota. Một năm sau, cả gia đình Nasser quyết định trở về Yemen. Khi đó Anwar al-Awlaki mới 7 tuổi.

Tại quê hương, con đường sự nghiệp của Nasser thăng tiến không ngừng và chẳng bao lâu sau Nasser được cử giữ chức Bộ trưởng Nông nghiệp Yemen. Song song với cương vị Bộ trưởng, Nasser còn được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường đại học Sana’a. Sau này, Nasser trở thành thành viên chủ chốt trong đảng của Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh và nhiều nguồn tin cho rằng, con đường công danh của ông này có phần ảnh hưởng quan trọng từ mối quan hệ họ hàng với Thủ tướng Yemen Mujawar.

Bởi vậy những năm tháng học trung học tại Yemen quê hương của Al-Awlaki khá thuận lợi và anh ta luôn được hưởng mọi điều kiện tốt nhất. Bên cạnh kiến thức mà nhà trường trao cho, Al-Awlaki còn được tiếp nhận sự giáo dục tôn giáo một cách đặc biệt. Bước sang tuổi 20, Al-Awlaki nhận được học bổng của Chính phủ Yemen trở lại Mỹ theo học khoa Công trình xây dựng tại Đại học bang Colorado.

Theo luật, Al-Awlaki lúc này có quốc tịch Mỹ, tuy nhiên anh ta vẫn sử dụng visa học sinh ngoại quốc và hộ chiếu Yemen để nhập cảnh mỗi lần vào nước này. Cơ quan An ninh Hoa Kỳ sau này đã phân tích, Al-Awlaki làm như vậy là để chứng minh rằng, anh ta tự hào về nguồn gốc Yemen của mình.

Suốt thời gian đại học, nhờ vào khả năng hùng biện và tài tổ chức, Al-Awlaki đã được cử làm Chủ tịch “Hiệp hội sinh viên Hồi giáo”. Mùa hè năm 1993, lợi dụng danh nghĩa này, Al-Awlaki đã đến Afghanistan hội ngộ với những “chiến binh thánh chiến” và sau khi trở về, đó là một Al-Awlaki hoàn toàn thay đổi. Luôn đội khăn trùm kiểu Afghanistan, luôn cổ xúy “thánh chiến”, chủ trương “tiêu diệt những kẻ ngoại đạo” và “giải phóng Afghanistan”, Al-Awlaki thực sự đã trở thành một “biểu tượng” hung dữ nhất của những tư tưởng cực đoan.

Năm 1994, sau khi cưới vợ, Al-Awlaki chuyển sang làm thầy tế Hiệp hội Hồi giáo tại thành phố Denver, bang Colorado. Hai năm sau, anh ta lại chủ trì một nhà thờ Hồi giáo tại San Diego, California và học lấy bằng thạc sĩ giáo dục. Năm 2001, Al-Awlaki học tiến sĩ chuyên ngành phát triển nguồn nhân lực tại Đại học George Washington nhưng mới được một năm, người ta lại thấy Al-Awlaki trở về Yemen làm giáo viên một trường đại học nổi tiếng ở quê nhà. Mọi sự dường như không có gì quá đặc biệt cho tới tháng 8/2006, Al-Awlaki bị chính quyền Yemen bắt giam 18 tháng vì ghi ngờ là kẻ tiến hành các hoạt động khủng bố.

“Osama Bin Laden mạng”

Điều khiến Cơ quan Tình báo Mỹ cay đắng nhất là việc họ không hề hay biết gì về Al-Awlaki mặc dù anh ta đã từng sinh sống tại Mỹ 21 năm. Sau sự kiện 11/9/2001, người ta còn thấy Awlaki xuất hiện trên mạng truyền hình Mỹ lên tiếng chỉ trích các phần tử cướp máy bay để thực hiện vụ khủng bố kinh hoàng này. Thậm chí tờ Thời báo New York lúc đó còn ngợi ca Anwar al-Awlaki là “lãnh tụ Hồi giáo thế hệ mới có thể dung hòa phương Đông và phương Tây”. Nhưng chẳng bao lâu sau, Cơ quan Tình báo Mỹ phát hiện Al-Awlaki có mối quan hệ rất gần gũi với các phần tử không tặc và anh ta đã bị FBI thẩm vấn ít nhất 4 lần ngay sau đó.

Theo các cựu quan chức tình báo thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ thì Al-Awlaki chính là “lãnh tụ tinh thần” của bọn khủng bố này, đặc biệt là có 3 tên: Awaf Al-Hazmi, Khalid Al-Mihdhar và Hani Hanjour từng tham gia hội truyền giáo của Al-Awlaki đều có mặt trên chuyến bay 77 đâm vào Lầu Năm Góc. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tiến hành điều tra rất gắt gao, tuy nhiên do không có đủ chứng cứ nên đã không thể kết tội Al-Awlaki được.

Cũng giống như Bin Laden, Al-Awlaki có giọng nói chậm rãi, khá truyền cảm. Là người có trình độ, lại thông thạo tiếng Anh và tiếng Arập nên khi tuyên truyền giáo lý Hồi giáo, Al-Awlaki rất có khả năng thuyết phục. Hơn nữa, là người hiểu rõ phương Tây và Mỹ nên Al-Awlaki có thể phân tích chuẩn xác khi phê phán nhược điểm và những bất cập của họ, đồng thời còn dẫn dụ rất khéo léo cho luận điểm của mình. Chính vì vậy, Al-Awlaki đã thu hút được đông đảo những phần tử khủng bố cấp tiến. Anwar al-Awlaki lợi dụng triệt để mạng Internet để tuyên truyền chủ nghĩa khủng bố và được mệnh danh là “Osama bin Laden mạng”.

Trong số những nghi phạm khủng bố mà nước Mỹ tóm được những năm gần đây có không ít đối tượng là người da trắng và lúc này người Mỹ mới ngộ ra rằng, quá trình “nội địa hóa” chủ nghĩa khủng bố có đóng góp không hề nhỏ của Al-Awlaki.

Khi bắt đầu chú ý đến Al-Awlaki, Cơ quan Tình báo Mỹ còn chủ quan đến mức cho rằng Al-Awlaki chỉ là đối tượng thuộc “phái lý thuyết” chứ không biết hành động. Mãi tới tháng 11/2009, khi xảy ra sự kiện xả súng bừa bãi ở Fort Hood (Texas) làm chết 13 người, Cơ quan Tình báo Mỹ mới giật mình. Thủ phạm vụ xả súng là Thiếu tá quân y Nidal Malik Hasan từng 18 lần liên lạc qua thư điện tử với Al-Awlaki. Sau sự kiện, Al-Awlaki còn công khai tuyên bố: “Nidal Malik Hasan là một anh hùng, chiến đấu với quân đội Mỹ là trách nhiệm của một tín đồ Hồi giáo!”.

Anwar al-Awlaki cùng các chiến hữu tại Yemen.

Rất nhiều cuộc tấn công khủng bố khác mà người ta cho rằng nghi can có liên quan đến Al-Awlaki. Vụ tấn công khủng bố máy bay dân sự Mỹ ngày Giáng sinh năm 2009, vụ tấn công khủng bố xe hơi ngày 1/5/2010 tại Quảng trường Thời Đại, New York, hay vụ khủng bố ở Mumbai, Ấn Độ năm 2008… tất cả đều có mối liên quan đến hoạt động “giáo huấn” của Al-Awlaki. Ngay như gần đây nhất, tổ chức khủng bố Al-Qaeda trên bán đảo Arập (AQAP) hôm 5/11/2010 đã phải lên tiếng nhận trách nhiệm về âm mưu đánh bom 2 máy bay từ Yemen sang Mỹ.

Sau khi nhận được thông tin tình báo từ Arập Xêút, nhà chức trách Anh và UAE nơi 2 máy bay trên quá cảnh đã kịp thời phát hiện 2 kiện hàng chứa chất nổ PETN. Những kiện hàng chứa bom này đã được vô hiệu hóa chỉ 17 phút trước thời điểm phát nổ dự kiến. Chính Anwar Al-Awlaki và chuyên gia chất nổ của AQAP là Ibrahim Hassan Al-Asiri đã bị cáo buộc đứng sau kế hoạch trên.

Cơ quan điều tra Mỹ thống kê rằng, các nghi phạm gây ra hơn 10 vụ khủng bố tại Mỹ, Anh và Canada những năm gần đây đều là những “tín đồ” của Al-Awlaki thông qua mạng Internet, băng ghi âm và đĩa CD. Sức ảnh hưởng của Al-Awlaki đã khiến các nhân viên tình báo Mỹ đau đầu và bế tắc. Thậm chí họ còn nhận định, Al-Awlaki có thể được mạng lưới Al-Qaeda cài vào nước Mỹ trước năm 2001. Mọi hình ảnh ôn hòa và tư tưởng chống bạo lực của Al-Awlaki trước đây chỉ là giả tạo mà thôi.

Người ta thấy trong năm ngoái, Anwar al-Awlaki đã ngang nhiên trình làng một trang web tiếng Anh để tuyển mộ tân binh ủng hộ thánh chiến. Tiếp đó trong tháng 7, tạp chí tiếng Anh đầu tiên có tên gọi Inspire (Cảm hứng) được tổ chức “Al-Qaeda in the Arabian Peninsula” – hình thành dưới sự kết hợp của các hạt nhân khủng bố của Al-Qaeda tại Yemen và Arập Xêút – ra đời.

Một trang bìa tạp chí Inspire.

Theo nhận định, Anwar Al-Awlaki chính là linh hồn và “tổng biên tập” của tạp chí chuyên dành cho những tên khủng bố này. Sự ra đời của Inspire thực chất là một công cụ mới để khích lệ tinh thần của những tên khủng bố trong mạng lưới của Al-Qaeda trên khắp toàn cầu. Bề ngoài, Inspire chẳng khác gì những tạp chí truyền thống của phương Tây: trang bìa bắt mắt với những cái tít giật gân: “Có thể chờ đợi điều gì từ cuộc thánh chiến”, “Hãy chế tạo bom ngay tại bếp của mẹ”, v.v…

Tuy nhiên, trong tất cả hơn 60 trang của tạp chí này, các từ “Afghanistan”, “Iraq”, “Israel” và “Palestine” được nhắc tới quá nhiều. Bên cạnh đó, tạp chí cũng dành nhiều sự chú ý vào tình hình tại bán đảo Arập, trước tiên là tại Arập Xêút và Yemen, những quốc gia có chính phủ được xem là “bung xung của phương Tây” và là “kẻ thù của những người Hồi giáo chính thống”.

Tìm và diệt

Ngay từ đầu năm 2010, Cơ quan Tình báo Mỹ đã cho biết Anwar al-Awlaki bị liệt vào danh sách cần phải “tìm và diệt”. Tờ Thời báo New York ngày 7/4 còn tiết lộ, Tổng thống Mỹ Obama đã đích thân hạ lệnh “tiêu diệt” đối với Anwar al-Awlaki.

Tuy nhiên, tiêu diệt Al-Awlaki là một nhiệm vụ quá khó khăn. Các quan chức an ninh Yemen cho rằng, Al-Awlaki đang trú ẩn tại khu vực vùng núi xa xôi hẻo lánh, địa thế hiểm trở thuộc tỉnh Shabwah, phía nam Yemen. Mỹ lập tức điều ngay lực lượng đặc nhiệm thường xuyên sục sạo khu vực này. Máy bay không người lái của CIA cũng liên tục tiến hành không kích khu vực được cho là Al-Awlaki có thể lẩn trốn. Tuy nhiên, tất cả mọi nỗ lực đều không mang lại kết quả.

Nhiều nguồn tin cho hay, các phần tử khủng bố đứng đầu là Al-Awlaki đã có trong tay khoảng 400 phần tử cực đoan với sự trợ giúp của các bộ tộc địa phương sẵn sàng tử vì đạo. Ngày 9/4/2010, bộ tộc Avarick, một trong những bộ tộc lớn nhất Yemen, đã tuyên bố phản đối “mọi hành động hợp tác với Mỹ để tiêu diệt Anwar al-Awlaki”.

Theo các nhà phân tích thì việc truy bắt Al-Awlaki đã khó khăn nhưng điều khó khăn hơn cả là phạm vi hoạt động của các phần tử khủng bố đã có sự dịch chuyển và cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu đang đứng trước sự chuyển đổi về chất. Anwar al-Awlaki và các phần tử khủng bố của Al-Qaeda tại Pakistan, Somali đã chiêu mộ được nhiều phần tử vũ trang với quy mô lớn hơn cả thời kỳ Osama bin Laden. Việc tái phát triển của tổ chức Al-Qaeda khiến cho cuộc chiến chống khủng bố của phương Tây sẽ phải tiếp tục kéo dài nhiều năm nữa.

Sau sự kiện 11/9/2001, Mỹ phải hứng chịu cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề nên nguy cơ một vụ khủng bố lớn nữa sẽ là điều nước Mỹ thực sự lo ngại. Sự xuất hiện của Al-Awlaki trong thời điểm khi mà sức mạnh lan tỏa khủng khiếp của Internet khiến người Mỹ hoang mang, sợ hãi và hiển nhiên cái tên Al-Awlaki đã bị liệt vào “danh sách phần tử khủng bố nguy hiểm hàng đầu”.

Gần đây, theo những tiết lộ từ giới chức Mỹ thì chính quyền của Tổng thống Obama đã thiết lập trung tâm quân sự mới nhằm mở rộng cuộc chiến bí mật chống khủng bố. Trung tâm này có nhiệm vụ triển khai các hoạt động tại các khu vực điểm nóng như Pakistan, Yemen và Somali. Có thể thấy rõ ràng sự điều chỉnh chiến lược này của Mỹ có quan hệ trực tiếp với sự xuất hiện “phần tử khủng bố đe dọa hàng đầu” nước Mỹ, Anwar al-Awlaki.

Cùng với những nỗ lực của Mỹ và phương Tây, ngày 6/11/2010, các thẩm phán Tòa án Yemen đã yêu cầu cảnh sát bằng mọi cách truy sát bằng được Al-Awlaki. Ngày 17/1/2011, Tòa án An ninh Yemen đã xử vắng mặt Al-Awlaki 10 năm tù giam vì tội danh “kích động công chúng tiêu diệt người nước ngoài”. Và dĩ nhiên đến giờ phút này, giống như Osama bin Laden, Anwar al-Awlaki vẫn hoàn toàn “ngoài vòng kiểm soát”

Ngọc Mai

cand.com.vn