Lưu trữ

Posts Tagged ‘Washington’

Vì sao Washington cần một “Đế quốc ma tuý”?

Tháng Năm 11, 2011 Bình luận đã bị tắt

Sau khi chế độ Taliban sụp đổ thì ở Afghanistan lại tăng tốc đến mức chóng mặt việc trồng cây thuốc phiện

Từ sau khi Taliban bị lật đổ vào cuối năm 2001, đến nay khối lượng ma túy sản xuất ở Afghanistan đã tăng lên gần 100 lần. Đó là báo cáo mới nhất của LHQ vừa được công bố cuối tháng 8 vừa qua.

Các lực lượng Mỹ và Anh đang chiếm đóng Afghanistan biết rõ tất cả các phòng thí nghiệm, cơ sở sản xuất, cũng như lộ trình vận chuyển ma túy từ đây ra các khu vực khác nhau trên thế giới. Chính Washington và London đã và đang dung túng, khuyến khích sản xuất cái chất giết người này.

Ngày nay, xét trên phạm vi toàn thế giới, thì bất kỳ một cuộc đối đầu quân sự hay một cuộc xâm lược nào cũng đều ảnh hưởng mạnh mẽ tới tình hình không chỉ ở một hai nước, mà hậu quả của nó lan tới hàng loạt nước khác. Cuộc chiến tranh ở Nam Tư và những sự kiện xung quanh vấn đề Kosovo đã làm khuấy động các thế lực ly khai – sắc tộc trên toàn châu Âu.

Cuộc chiếm đóng của liên quân Mỹ – Anh ở Iraq đã làm cho cả Trung Đông nóng bỏng lên, đã chia rẽ khu vực này thành hai phe – những người ủng hộ và những người phản đối cuộc chiến, đồng thời cũng đã biến những cuộc tranh chấp ngoại giao và lãnh thổ trong thế giới Arập thành cuộc đối đầu trực tiếp và tạo điều kiện để Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ thường xuyên tiến hành những chiến dịch quân sự.

Cuộc chiến tranh Iraq và những động thái nhằm chống lại Iran đã trở thành mối đe dọa cho nền kinh tế châu Âu và Đông Á và tiềm ẩn cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Thế nhưng, cuộc tấn công của Mỹ và Anh ở Afghanistan đã tạo ra cho cả thế giới một vấn đề hoàn toàn khác. So với những cuộc chiến tranh và đối đầu quân sự nói trên, nó còn sâu sắc và nguy hại hơn rất nhiều, trên thực tế chưa thể đánh giá hết. Nhiều giới quan sát và phân tích chiến lược cho rằng đây sẽ là một thảm họa địa – chính trị, có thể phá hoại hàng loạt thế hệ con người.

Báo cáo hàng năm của LHQ vừa được công bố đã minh chứng cho nhận định đó. Theo những số liệu chính thức, Afghanistan chiếm tới 93% toàn bộ cây nguyên liệu sản xuất ma túy trên hành tinh chúng ta. Chỉ riêng năm 2006 Afghanistan đã thu hoạch sản lượng thuốc phiện tăng 35% và trong 2 năm gần đây tăng hơn hai lần.

Sở dĩ sản lượng thuốc phiện tăng mạnh như vậy là vì có sự dung túng và khuyến khích của quân chiếm đóng. Báo cáo của LHQ còn nêu rõ rằng, tại tỉnh Guilmand, nơi quân Anh đang chiếm đóng, đã trở thành địa danh đứng đầu thế giới về sản xuất hêrôin.

Ngày 7/10/2001, Mỹ và Anh bắt đầu tiến hành trên lãnh thổ Afghanistan “Chiến dịch chống khủng bố”, nhằm chống lại mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda. Thế nhưng, 6 năm trôi qua, những mục tiêu mà Washington và London tuyên bố khi đó đã không thể thực hiện.

Tên trùm khủng bố số 1 Bin Laden vẫn chưa bị tiêu diệt. Trong khi đó, từ sau khi lật đổ chế độ Taliban, thì ở Afghanistan lại bắt đầu tăng tốc đến mức chóng mặt việc trồng cây thuốc phiện.

Năm 2002, Afghanistan đã tăng sản lượng cây thuốc phiện và do đó tăng khối lượng điều chế hêrôin lên 1.400%, nghĩa là bằng với khối lượng của những năm 90 thế kỷ trước, khi mà trên lãnh thổ đất nước này tập trung tới 70% sản lượng cây thuốc phiện của cả thế giới.

Năm 2001, năm cuối cùng dưới sự điều hành đất nước của Taliban, Afghanistan thu hoạch 185 tấn nguyên liệu thuốc phiện. Chỉ 1 năm sau, năm 2002 chỉ số này đã lên tới 1.900 – 2.700 tấn, năm 2003 – hơn 7.000 tấn, năm 2004 – 12.000 tấn và 2 năm 2005-2006 đều ở mức trên 15.000 tấn. Như vậy, trong 2 năm gần đây, mỗi năm Afghanistan sản xuất 810 tấn hêrôin thuần khiết.

Năm năm qua (2002-2006) người sản xuất ma túy Afghanistan trong sự hợp tác cùng với các thế lực chiếm đóng đã tạo ra cả một cơ cấu nền tảng của chất giết người – từ khâu tổ chức sản xuất với những thiết bị hiện đại, đến cơ sở hạ tầng rất hoàn chỉnh về tài chính – tín dụng và ngân hàng, mà ngay cả đến các trùm kinh doanh trên thế giới cũng phải ghen tị.

Như một dây chuyền công nghiệp khép kín: Từ trồng trọt, thu hoạch cây thuốc phiện trên những cánh đồng, thu gom tập trung, đưa vào sản xuất chế biến thành moọcphin và hêrôin, đến bảo đảm vận chuyển tới các nước tiêu thụ.

Sản xuất thuốc phiện truyền thống trên thế giới lâu nay thường tập trung ở 3 khu vực: Lưỡi liềm vàng (gồm ba nước Afghanistan, Pakistan và Iran), Tam giác vàng (gồm 3 nước Myanmar, Thái Lan và Lào) và Trung Mỹ (gồm 3 nước Colombia, Venezuela và Bolivia).

Thế nhưng, với sự tăng trưởng siêu tốc cây nguyên liệu thuốc phiện và sản xuất hêrôin ở Afghanistan từ cuối năm 2001 đến nay, thì tất cả các địa danh trên không thể nào còn so sánh được nữa. Vào đầu những năm 2000, giá bán buôn hêrôin ở Bangkok (Thái Lan) là 10 nghìn USD/kg, còn ở biên giới Pakistan và Afghanistan trước khi được gửi theo đường biển giá 1 kg hêrôin chỉ 650 USD.

Phải chăng vì nguồn lợi nhuận khổng lồ như vậy, nên Washington và London đã bằng mọi cách thao túng và khuyến khích từ khâu trồng cây nguyên liệu, sản xuất và chế biến thành sản phẩm ma túy thuần khiết, đến khâu bảo đảm các lộ trình vận chuyển, đưa ma túy tràn ngập thị trường các nước thù địch, cũng như các nước cạnh tranh.

Đương nhiên, mục tiêu hiển hiện là lợi nhuận khổng lồ, không một ngành kinh doanh nào có thể so sánh. Nhưng thâm thúy và sâu xa, có tác hại ghê gớm, mà cho đến nay chưa đánh giá đầy đủ – đây chính là một thứ vũ khí hủy hoại sinh lực đối phương, làm tổn hại đời sống tinh thần và thể chất của một bộ phận không nhỏ tầng lớp thanh thiếu niên ở các nước mà Washington muốn nhằm vào. Đương nhiên, từ ma túy còn nảy sinh biết bao vấn đề xã hội phức tạp khác nữa

Ngô Gia Sơn (theo Pravda)

antg.cand.com.vn